“Năm chuyển đổi số (CĐS) các hoạt động của Đoàn” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là chủ đề công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023. Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn TP Cần Thơ tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS và nhiều cuộc thi, ngày hội, diễn đàn về ứng dụng công nghệ số trong đoàn viên, thanh thiếu nhi được tổ chức. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến độ CĐS trên các lĩnh vực đạt mục tiêu đề ra.
“Mùa hè số”
Đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ quét mã QR tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ.
Hơn 700 hoạt động tuyên truyền về CĐS được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố triển khai từ đầu tháng 6-2023 đến nay, thu hút trên 1.500 tình nguyện viên. Ngoài ra, tất cả 83 cơ sở Đoàn cấp xã thành lập đội hình tình nguyện tuyên truyền về CĐS. Lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phối hợp tổ công nghệ số cộng đồng ở ấp, khu vực tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; vận động bà con cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử VNeID, bảo hiểm xã hội số (VssID) trên điện thoại thông minh.
Theo chị Phan Anh Trang, Bí thư Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ, tuyên truyền và hướng dẫn người dân CĐS là một trong những hoạt động trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay. Trong dịp hè, Đoàn khối huy động lực lượng công chức, viên chức trẻ triển khai nhiều hoạt động tham gia vào quá trình CĐS của thành phố, như: tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thành lập đội trí thức trẻ hướng dẫn sử dụng máy tính, Internet, mạng xã hội an toàn cho đồng bào dân tộc thiểu số; đội hình tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, Đoàn khối phát động cuộc thi “Hành trình đến với các di tích lịch sử qua nền tảng số”. Theo đó, các cơ sở Đoàn thiết kế video giới thiệu địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố, góp phần quảng bá giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Đoàn khối tiếp tục triển khai công trình thanh niên “Giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa TP Cần Thơ trên nền tảng số” bằng mã QR tại tất cả các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố (ra mắt từ tháng 3-2023). Thông tin về các di tích lịch sử - văn hóa được số hóa trên trang thông tin điện tử thanhnien.dulichso.cantho.gov.vn.
Từ đầu tháng 7-2023, tổ chức Đoàn - Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh”, trong đó nội dung tuyên truyền về CĐS là hoạt động ưu tiên. Theo anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, hơn 30.000 lượt đoàn viên, sinh viên tình nguyện thực hiện chiến dịch tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mỗi đơn vị đều thành lập đội hình CĐS cộng đồng với nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ địa phương triển khai mô hình “Chợ 4.0” (thanh toán không dùng tiền mặt), giới thiệu các kênh thương mại điện tử và tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về CĐS, từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số.
Giúp bạn trẻ nâng cao năng lực số
Các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn thành phố triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực số của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thành đoàn đã ký kết chương trình phối hợp Bưu điện TP Cần Thơ, VNPT Cần Thơ nhằm mục tiêu huy động nguồn lực hỗ trợ các cấp bộ Đoàn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đoàn viên, thanh niên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. VNPT Cần Thơ hỗ trợ triển khai, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao năng lực số của thanh thiếu nhi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Đoàn, phong trào thanh niên. Bưu điện thành phố hỗ trợ CĐS cho các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội, đoàn viên, thanh niên, trang bị các kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số; truyền thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên sử dụng, quảng bá các lợi thế, sản phẩm.
Nhiều sân chơi học thuật về công nghệ thông tin cũng được tuổi trẻ thành phố duy trì và nâng chất. Tiêu biểu như cuộc thi Tin học trẻ, do Thành đoàn phối hợp Hội Tin học TP Cần Thơ và các sở: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm. Cuộc thi năm nay diễn ra vào tháng 6-2023, thu hút 173 thí sinh đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố, tham gia tranh tài ở 2 nội dung: sản phẩm sáng tạo và kỹ năng lập trình. Ban tổ chức đã trao 42 giải thưởng cho các thí sinh, trong đó có 22 giải về sản phẩm sáng tạo và 20 giải về kiến thức, kỹ năng tin học; đồng thời chọn 26 thí sinh tiếp tục tham gia vòng thi khu vực do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Vương Minh Phúc, học sinh Trường THCS Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), từng 2 lần đạt giải Khuyến khích cuộc thi Tin học trẻ cấp thành phố (2022 và 2023). Tháng 6-2023, Phúc và bạn cùng nghiên cứu thiết kế phần mềm “Bạn là nhà sử học”. Phúc chia sẻ: “Quá trình nghiên cứu thiết kế phần mềm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của em ngày càng tiến bộ hơn, đồng thời khám phá nhiều tiện ích từ công nghệ phục vụ học tập. Em nghĩ các cuộc thi cần duy trì tổ chức để chúng em có cơ hội rèn luyện, nâng cao trình độ công nghệ thông tin”.
Về số hóa dữ liệu, từ đầu năm đến nay, tuổi trẻ thành phố đã và đang triển khai cập nhật thông tin tổ chức đoàn, đoàn viên trên hệ thống phần mềm quản lý công tác nghiệp vụ đoàn viên. Từ đầu tháng 6-2023, Thành đoàn cũng đã ra mắt mô hình số hóa sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. Theo đó, đoàn viên, thanh niên có thể quét mã QR (bằng điện thoại thông minh) để tìm hiểu thông tin về nguồn gốc, công dụng, nguyên liệu, giá thành của các sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP. Hiện có 14 sản phẩm khởi nghiệp và OCOP được gắn mã QR để tăng độ nhận diện, thúc đẩy các kênh bán hàng trực tuyến gắn với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tiêu biểu như: tranh gạo Tấn Bửu; sinh vật cảnh, vật tư nông nghiệp và nông sản tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên đô thị… Mô hình này góp phần giới thiệu, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp và OCOP của thanh niên trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, khi được CĐS, các hoạt động Đoàn đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, đồng thời dần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sức lan tỏa đối với cộng đồng.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI