Về nước sau 10 năm du học, TS Trịnh Văn Chiến giành hàng loạt giải thưởng với các nghiên cứu về mạng 5G, 6G.
TS Chiến, 35 tuổi, quê Thanh Hóa, giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023, do Thành đoàn Hà Nội công bố tuần trước.
Trước đó, anh được trao giải Quả cầu vàng của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Trung ương Đoàn, với nghiên cứu chỉ ra tiềm năng ứng dụng của mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh cho mạng truyền thông 6G.
"Tôi thấy vinh dự khi nhận các giải thưởng này, coi đó là sự ghi nhận với những gì mình đã theo đuổi trong thời gian qua", anh Chiến nói.
Với hướng nghiên cứu chủ yếu về mạng 5G, 6G, đến nay anh Chiến có hơn 50 bài báo khoa học, 3 chương sách thuộc các nhà xuất bản uy tín thế giới. Anh còn tham gia phản biện cho nhiều hội nghị và tạp chí khoa học uy tín, từng giành giải thưởng nghiên cứu xuất sắc cho dự án triển khai mạng 5G của Liên minh châu Âu.
Dù vậy, trong suốt 5 năm đại học, với sự hướng dẫn tận tình của các thầy giáo, anh Chiến dần thấy thú vị với việc nghiên cứu khoa học.
"Từ chỗ không biết học tích phân ở môn Toán cao cấp để làm gì, tôi đã nhận thấy tầm quan trọng của nó và những cơ sở lý thuyết trên lớp khi nghiên cứu khoa học", anh Chiến nói. "Tôi quyết định theo hướng này và quyết tâm du học bậc sau đại học".
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Chiến nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc cho chương trình thạc sĩ ngành Điện và Kỹ thuật máy tính của Đại học Sungkyunkwan. Năm 2014, anh nhận học bổng của Liên minh châu Âu để làm nghiên cứu sinh tại Đại học Linkoping, Thụy Điển. Sau đó, anh tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Luxembourg, Luxembourg.
Suốt thời gian đó, anh Chiến tập trung đi sâu về mạng 5G, 6G. Anh chia sẻ hệ thống mạng phát triển không ngừng. Đây là cuộc đua công nghệ của các cường quốc, nên khi theo hướng này, bản thân người làm nghiên cứu cũng phải vận động liên tục.
"Có những khi mình gần hoàn thiện một nghiên cứu nhưng buổi sáng thức dậy, một công trình tương tự đã được xuất bản. Chỉ cần chậm chân một chút, mình phải thay đổi hướng làm và mất thêm rất nhiều thời gian để có kết quả mới", anh nhớ lại. Đây là khó khăn nhưng cũng là điểm cuốn hút, thúc đẩy anh Chiến theo đuổi hướng nghiên cứu này.
Làm về 5G, 6G, anh Chiến cho biết không phải chỉ là tìm hiểu về tốc độ, chất lượng của hệ thống mạng sao cho tối ưu hơn thế hệ mạng trước đó, mà còn đi sâu vào những ứng dụng của nó trong đời sống. Chẳng hạn việc đưa lý thuyết về tối ưu vào nghiên cứu quy hoạch mạng, giảm lượng khí thải từ các thiết bị điện - điện tử, hay ứng dụng sáng chế robot, hỗ trợ quá trình tự động hóa trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe...
Giảng viên Bách khoa Hà Nội thấy may mắn khi bắt đầu hướng nghiên cứu này ở nước ngoài - nơi có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực truyền thông. Như thời gian ở Thụy Điển, anh học được nhiều kiến thức cơ bản, được tham quan nhiều mô hình về nghiên cứu và sản xuất các thiết bị 5G ở doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục ở châu Âu, anh chỉ đóng góp được phần nhỏ bởi khoa học kỹ thuật đã quá phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi. Trở về Việt Nam, tuy nhiều khó khăn nhưng anh có thể cống hiến nhiều hơn.
"Nền kinh tế của Việt Nam cũng phát triển khá nhanh. Thu nhập không bằng nước ngoài nhưng so với mức sống thì rất ổn. Tôi không có nhiều lưỡng lự khi quyết định về nước", anh nói.
Về Việt Nam đầu năm 2022, thay vì 100% tập trung nghiên cứu dựa vào đề tài của giáo sư như khi ở nước ngoài, anh Chiến vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa phải viết đề xuất xin đề tài, xây dựng nhóm cùng nhiều việc không tên khác.
Dù bận rộn hơn nhưng anh nhận thấy mình "trưởng thành hơn, có những trải nghiệm mới, đặc biệt trong việc hướng dẫn sinh viên".
Anh Chiến hiện hướng dẫn hơn 10 sinh viên tại phòng thí nghiệm. Anh cho rằng Việt Nam đang có xu hướng giống các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc hay Hàn Quốc khi sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm.
"Nhiều em cần cù, có nền tảng cơ bản tốt, đam mê, chủ động. Một số sau thời gian đầu được thầy cô định hướng đã có thể tự đề xuất ý tưởng", anh chia sẻ. "Chính các em giúp tôi cảm thấy trẻ trung, nhiều năng lượng hơn".
PGS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói TS Chiến được nhiều cán bộ, sinh viên yêu quý.
"Thầy Chiến có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực mạng 5G, 6G. Thầy đã được bổ nhiệm Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu Mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, là một trong các phòng thí nghiệm quan trọng của trường", cô Bình nói.
Xác định gắn bó lâu dài với Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Chiến mong góp sức xây dựng phòng nghiên cứu ngày càng lớn mạnh, kết nối được các nhóm khác ở trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, anh hy vọng giúp đỡ những sinh viên xuất sắc có nhu cầu học cao hơn. "Tôi muốn sinh viên của mình có cơ hội du học, trải nghiệm văn hóa nước ngoài, rồi về Việt Nam cống hiến", anh nói.