CTG - Với mong muốn phát triển mô hình kinh tế tại quê hương, chàng trai 32 tuổi ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chồn hương tiền tỉ.
14 năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Phan Hữu Sơn (SN 1992, trú thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) đã ra Hà Nội làm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên thu nhập không ổn định, trong khi đó chi phí ở thành phố đắt đỏ. Vì thế anh luôn ấp ủ ước mơ sẽ trở về quê hương lập nghiệp bằng mô hình kinh tế.
Sau một thời gian dài tìm tòi, học hỏi, năm 2019, anh quyết định về quê đầu tư nuôi chồn. Chàng trai nghĩ, Sơn Kim 1 có đủ điều kiện để nuôi con vật này khi thời tiết phù hợp, thức ăn dồi dào. Tại đây anh mua hai cặp giống để thử nghiệm, tuy nhiên một năm sau, nhận thấy vật nuôi không đạt được như kỳ vọng nên anh quay trở lại công việc cũ tại xưởng sản xuất nhôm kính.
Anh Sơn thành công với mô hình nuôi chồn hương. Ảnh: H.N |
Anh Sơn xác định, để nuôi chồn cần có vốn đầu tư và phải học hỏi thêm kinh nghiệm. Đầu năm 2021, khi có ít vốn, anh quyết định một lần nữa trở về quê để thực hiện ước mơ làm giàu.
Với ý chí quyết tâm, anh Sơn bàn bạc với gia đình rồi làm các thủ tục giấy tờ cấp phép nuôi chồn. Chàng thanh niên đã cải tạo khu vườn rộng 50m2 để nuôi 5 cặp chồn với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu đồng. Nhờ được gia đình, bạn bè hỗ trợ nên mô hình nhanh chóng được hoàn thiện. Đây là cả ước mơ và đam mê khi còn nhỏ nay mới được thực hiện.
Vườn chuối được nam thanh niên trồng để làm thức ăn cho chồn. |
Những ngày đầu khi nuôi chồn, chàng trai gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm còn hạn chế. Chồn hương gặp khá nhiều bệnh về đường ruột, ngoài ra chồn là loại rất nhát, khi có hơi lạ hoặc thiếu sữa sẽ hoảng loạn dẫn đến cắn nhau.
Sau một thời gian nuôi, anh Sơn đúc rút được nhiều kinh nghiệm riêng cho mình, từ phát hiện bệnh, chữa bệnh đến cách chăm sóc để chồn phát triển tốt. Theo anh Sơn, khi nuôi chồn quan trọng nhất là việc giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, sau đó nguồn thức ăn phải đảm bảo.
Mô hình kinh tế của anh Sơn cung cấp ra thị trường hơn 30 cặp giống và 30 con chồn thịt/năm. |
“Thức ăn cho chồn được gia đình tôi tự sản xuất nên rất đảm bảo như cá, chuối, trứng… Riêng chuối gia đình trồng hơn 300 gốc để phục vụ nhu cầu thức ăn. Chồn nếu biết cách nuôi rất dễ, nhưng đối với chồn sinh sản phải kiêng hơi lạ, nên khi cho ăn uống hay kiểm tra thường là tôi phụ trách”, anh Sơn cho biết.
Đến nay, trang trại nuôi chồn của anh Sơn được mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỉ đồng trên diện tích gần 100m2, được chia ra 2 khu vực gồm nơi sinh sản và nơi nuôi con giống.
Giống chồn được anh Sơn nuôi tại quê nhà. |
Những năm gần đây, anh Sơn cung cấp ra thị trường hơn 30 cặp giống và 30 con chồn thịt/năm. Giá mỗi cặp chồn giống giá từ 7-16 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, anh Sơn lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.
Cũng theo anh Sơn, chồn hương thuộc vào nhóm danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB, vì thế trong quá trình nuôi, kinh doanh, anh đã hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ và tuân thủ các đợt kiểm tra định kỳ của Hạt Kiểm lâm Hương Sơn.
“Chúng tôi nuôi được cấp phép đầy đủ, vì thế khi xuất bán chồn thịt hay giống đều cung cấp giấy tờ để đảm bảo cho khách hàng yên tâm”, anh Sơn nói.
Theo TPO