Bác đến Nga vào mùa Đông. Mọi vật đều bị tuyết phủ trắng xóa như một thế giới bằng bạc. Có ngày rét đến 42 độ dưới 0.        
Đại hội Quốc tế Cộng sản hoãn chưa khai, và Lênin còn ốm nặng. Hôm 21 tháng Giêng năm 1924, một cơn gió thảm mưa sầu đã chấn động toàn thể nhân dân Nga cũng như nhân dân lao động và dân tộc bị áp bức cả thế giới: Lênin - người thầy, người bạn, người đồng chí yêu kính của chúng ta mất rồi!
Cuối tháng Tám năm 1918, trong lúc đến nói chuyện ở một cuộc mít tinh của công nhân nhà máy tại thành phố Pêtécbua (nay là Lêningờrát), Lênin bị một tên phản động bắn bị thương nặng. Từ đó về sau, Lênin thường bị yếu, nhưng vẫn cố gắng làm việc đến hơi thở cuối cùng.
Nghe tin buồn đó, nhiều người oà lên khóc, Bác cũng khóc. Kể sao cho xiết tình thương tiếc không bờ bến của những người lao động đối với người thầy cách mạng vĩ đại ấy. Biến thương xót thành hành động; Lênin mất, nhưng ngọn cờ chủ nghĩa Lênin có Đảng Bônsơvích anh hùng nắm vững và có hàng triệu người cộng sản khắp thế giới giương cao. Để tỏ tình đoàn kết chặt chẽ và nhiệt liệt ủng hộ Đảng của Lênin, hơn 24 vạn công nhân Nga lúc đó đã xin vào Đảng.
Bốn năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và năm năm nội loạn, ngoại xâm, đã phá hoại nền kinh tế Nga một cách cực kỳ nặng nề. Như so với năm 1913 (tức là năm trước chiến tranh), thì năm 1920:
Công nghiệp nặng nói chung bảy phần chỉ còn một;
Nghề đúc sắt chỉ còn 3% (116.000 tấn);
Than chỉ bằng một phần ba;
Dầu lửa chỉ bằng hai phần năm;
Nghề dệt vải chỉ còn 5%, phần mỗi người không đầy một thước.
Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tuy kinh tế đã bước đầu khôi phục, nhưng mức sản xuất vẫn còn kém. So với năm 1913 thì:
Tổng sản lượng công nghiệp mớiđạt ba phần tư,
Sắt mới đạt một phần ba,
Gang mới đạt một phần hai,
Giao thông vận tải mới đạt bốn phần năm,
Trong nước vẫn còn hơn mười vạn người thất nghiệp,
Từ năm 1928 bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, rồi bắt đầu hợp tác hoá nông nghiệp. Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản và tinh thần hăng hái thi đua của nhân dân, trong khoảng mười năm, kinh tế Liên Xô đang tiến lên vùn vụt thì năm 1939, phát xít Đức lại gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Giữa năm 1941, chúng tấn công Liên Xô. Trong gần năm năm, chúng đã tàn phá của Liên Xô:
1. 710 thành phố
32.000 xí nghiệp,
70.000 làng xóm
Nhắc lại những khó khăn trong thời kỳ trước, để so sánh với những thành tích ngày nay, càng thấy rõ sự cố gắng và thắng lợi của Liên Xô là vô cùng vĩ đại. Ngày Bác đến Mátxcơva lần đầu tiên, điều kiện đời sống ở Liên Xô cũng đang rất khó khăn. Những thứ cần dùng hàng ngày như bánh mỳ, bơ, thịt, đường, vải v.v. đều bị hạn chế. Một thí dụ: Người Liên Xô quen uống nước chè với đường, nhưng lúc đó đường rất khan hiếm. Năm thì mười hoạ mỗi gia đình mới được mua chút ít. Người ta phải dùng xakharìn (một chất hoá học hơi ngòn ngọt) thay thế cho đường. Nhân dân phải chịu nhịn những thứ của ngon vật quý để đưa ra nước ngoài đổi lấy máy móc cho công việc xây dựng. Nhà ở cũng thiếu thốn... Tuy vậy, không ai than phiền oán trách; trái lại, mọi người đều cố gắng để vượt qua khó khăn để ra sức xây dựng.
Có thể nói: Hồi đó mức sống của người lao động Liên Xô và của người lao động Đức cũng kham khổ như nhau. Nhưng có những điều tuyệt đối khác nhau, giữa nhân dân hai nước:
- Người Đức phải tự nhận mình là kẻ thua trận trong cuộc chiến tranh, người Liên Xô thì tự hào mình đã thắng lợi trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người Đức thì buồn rầu. Người Liên Xô thì phấn khởi.
- Nhân dân Đức rất khổ cực, nhưng bên cạnh họ thì bọn thống trị Đức và bọn tư sản nước ngoài sống một cách cực kỳ xa hoa. Nhân dân Liên Xô thì từ trên dưới đều đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng, đoàn kết phấn đấu, để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Do đó, người Đức sống trong một bầu không khí ảm đạm mịt mù. Người Liên Xô thì hăng say lao động và trông thấy trước mắt một tương lai hạnh phúc rực rỡ.
Còn bản thân Bác cũng có sự thay đổi lớn. Từ một công nhân nghèo ở Pari sang đến Đức thoắt trở nên một người “triệu phú”. Từ một người có bạc triệu ở Đức sang đến Liên Xô lại trở nên một thành viên chân chính, một người anh em ruột thịt trong đại gia đình vô sản quốc tế. Bác nói: “Từ bé đến lớn chưa bao giờ thấy trong mình tự do, khoan khoái và sung sướng như lúc bấy giờ. Tuy vậy, chỉ mong Đại hội Quốc tế sớm họp, để sau Đại hội thì được đi hoạt động”. Trong khi chờ đợi, Bác cố gắng học hỏi và xem xét.
Một hôm Bác cùng mấy đồng chí người châu Phi đi thăm một trại nhi đồng có độ 300 em. Mặc dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhi đồng được đặc biệt săn sóc về mặt vật chất. Về mặt tinh thần, các em cũng rất khôn. Cùng sáng hôm đó, có mấy người viết báo Anh và Pháp đến thăm trại. Đối với họ, các em giữ đúng lễ độ. Họ hỏi câu gì, các em trả lờicâu ấy, thế thôi. Các em không thích chuyện trò thân mật với những người “buốcdôi” (tư bản).
Nhưng khi thấy Bác và các đồng chí châu Phi đến, thì các em vui vẻ chạy ùa ra như một đàn chim để hoan nghênh nhiệt liệt các chú, các bác cộng sản.
Một em gái độ sáu, bảy tuổi, đẹp và ngoan, khẽ hỏi Bác: “Chú ơi, chú, mặt mũi bọn đế quốc ra thế nào? Chắc nó xấu lắm nhỉ. Cháu nghe các anh, các chị nói: chúng hành hạ cả trẻ con Việt Nam, cháu ghét chúng nó lắm!... Bao giờ về nước, nhờ chú chuyển những cái hôn của các cháu cho các bạn Việt Nam nhé. Nói xong em ôm choàng hôn Bác và mắt em hơi ướt vì cảm động.
Tháng Sáu năm 1924, Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva, có đại biểu của 49 đảng cộng sản đến dự.
Trong Đại hội, vấn đề quan trọng nhất là phân tích tình hình thế giới: Hồi đó, chủ nghĩa tư bản đang đi vào thời kỳ ổn định tương đối và tạm thời. Các đảng xã hội thuộc Quốc tế thứ hai thì đầu hàng giai cấp tư sản. Có đảng cộng sản đã phạm một số sai lầm trong phương pháp hoạt động... Vì vậy, Đại hội đặc biệt nhấn mạnh vấn đề Mặt trận thống nhất giữa hàng ngũ công nhân, và yêu cầu các đảng cộng sản theo đúng chủ nghĩa Bônsơvích về các mặt tư tưởng, tổ chức và sách lược…
Phát biểu ý kiến, Bác trình bày trước Đại hội tình hình chung của các nước đế quốc và các nước thuộc địa, cùng tình hình riêng của Đông Dương; nêu những việc các đảng cộng sản đã làm được và những điều thiếu sót đối với phong trào cách mạng ở các thuộc địa. Kết luận Bác đề ra năm yêu cầu đối với Đảng Cộng sản Pháp:
- Báo Đảng thường xuyên đăng những bài về vấn đề thuộc địa.
- Tăng cường tuyên truyền và kết nạp vào Đảng những phần tử tốt ở những thuộc địa có chi bộ đảng.
- Gửi một số đảng viên ở các thuộc địa đến Mátxcơva học.
- Tổng Công hội (thống nhất) Pháp kết nạp những công nhân thuộc địa ở Pháp vào hội, để giáo dục họ.
- Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.
Sau Đại hội, những vấn đề đó đều được thực hiện dần dần.
Câu chuyện đến đó, thì trời vừa trưa, bụng cũng vừa đói. Bác bảo: “Phía tay phải đường kia có hang đá. Các chú xem thử có đúng không”. Chúng tôi chạy đến xem, quả nhiên có một cái hang khá rộng, trông ra chung quanh thì “sơn thuỷ hữu tình”. Vào hang tạm nghỉ, chúng tôi hỏi sao mà Bác đoán biết ở đây có hang. Bác nói: Những ngày hoạt động bí mật ở vùng Pác Bó, thường đi tìm hang làm địa điểm, cho nên trông thấy ở đâu có rặng cây và mỏm đá hơi khang khác thì đoán biết ở đó có hang.
Chúng tôi dọn cơm nắm ra ăn. Vừa ăn được nửa chừng, bỗng nghe tiếng máy bay địch từ phía xuôi lên. Chúng tôi trèo lên núi xem, thấy cả ba chiếc. Chúng lượn quanh mấy vòng, rồi thay phiên nhau thả bom và bắn liên thanh xuống đường cái. Vì chung quanh nhiều rừng núi, tiếng động cơ, tiếng bom và tiếng súng dội lên ầm ầm, long trời chuyển đất. Mười phút sau, thả hết bom, bắn hết đạn, chúng lại chuồn xuôi.
Trận bắn phá ấy có vẻ hung tợn lắm, nhưng không có kết quả gì. Khi nghe máy bay địch đến, đồng bào dân công kéo nhau đi tạt vào rừng, ngồi nghỉ chờ máy bay địch đi rồi, đồng bào lại ra đường không chút sợ hãi. Có người còn rủa địch: “Bố tiên sư nó! Nếu ngày nào chúng cũng lên, thì càng tốt, chúng sẽ tốn nhiều đạn, nhiều bom, nhiều xăng...”.
Chúng tôi đi một đoạn thì gặp một đội thanh niên đang lấp hố bom, sửa lại đường, Bác hỏi: “Các cháu có sợ máy bay không?”. Một cô thanh niên vừa cuốc đất vừa nhanh nhẩu trả lời: “Thưa không ạ! Các cháu quen rồi. Cuốc xẻng của chúng cháu đã nhiều lần thắng máy bay của giặc”.
Trước khi Bác tiếp tục kể chuyện, anh Thành đề nghị: “Nếu Bác kể cho nghe những chuyện hoạt động bí mật của Bác thì chắc là thú vị lắm”.
Không đồng ý với anh Thành, bác sĩ Chân nói: “Đã là bí mật thì không nên nói công khai. Anh em cách mạng ở các nước khác có thể còn dùng những cách bí mật đó. Nói ra không lợi”.
Bác bảo: “Chú Chân nói đúng. Thôi để Bác kể những chuyện không bí mật vậy”.
Theo cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện”của tác giả T.Lan theo bản in năm 1976 của Nhà xuất bản Sự thật.
Tháng 4 năm 2008
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia