Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú 79 mùa Xuân của Bác Hồ có nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng. Sự kiện trưa ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ (28-01-1941) Người vượt qua biên giới Việt - Trung về nước là một trong những sự kiện ấy, đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những dấu ấn đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân đất nước…
“Nắm đất quê hương'' - Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành,dẫn đăng trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về nước, “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”… luôn là khát khao cháy bỏng của Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Nhưng để thực hiện khát vọng ấy, Người đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian lao, thách thức. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện. Đó là khi Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc (những năm 1924 – 1927) và sau đó ở Thái Lan (những năm 1928-1929) - thời kỳ mà thực dân Pháp tìm mọi cách để “tiêu diệt” những người cách mạng ở Đông Dương, đặc biệt là sự lùng sục rất gắt gao nhằm tìm ra tung tích của Nguyễn Ái Quốc… nên mọi “cố gắng đi về An Nam” của Người đều phải “quay trở lại” bởi sự “canh phòng của mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật”.
Phải mãi tới lần thứ ba, việc tìm đường về nước của Bác Hồ mới từng bước được thực hiện. Đó là vào đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. Trong thời gian ở đây, Người thường xuyên chăm lo bồi dưỡng lý luận, nâng cao nhận thức cho cán bộ và hướng các hoạt động của phong trào kiều bào vào việc “đánh Tây”, “đuổi Nhật”. Người đã dành thời gian đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc tuyến đường xe lửa Côn Minh - Hà Khẩu để tìm hiểu tình hình, khảo sát, tìm đường về nước.
Giữa lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới… Vì thế, ngay khi được tin phát xít Đức tấn công nước Pháp (ngày 15-6-1940) và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện (ngày 22-6-1940), nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Bác Hồ đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích tình hình và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Hội nghị tán thành ý kiến của Người và quyết định: Tìm đường về nước. Đường về nước lúc đầu dự kiến theo hướng Côn Minh - Lào Cai nhưng không thực hiện được do cầu Hồ Kiều nối liền Vân Nam - Lào Cai đã bị quân đội Trung Hoa phá, cắt đứt tuyến đường đường sắt Điền - Việt (Côn Minh - Hải Phòng), cửa biên giới Trung Quốc với Đông Dương bị đóng… nên việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết như tìm hiểu tình hình, nghiên cứu, chọn đường về và hướng xây dựng căn cứ địa… được Bác Hồ cho tiến hành khẩn trương để có thể sớm lên đường về nước.
Cùng lúc này, tình hình ở trong nước diễn ra hết sức sôi động: Pháp đầu hàng Nhật, hệ thống chính quyền tay sai của Pháp ở một số nơi hoang mang, tan rã; nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) nổi dậy vũ trang giành chính quyền, Đội du kích Bắc Sơn được thành lập, nhân dân Nam Kỳ cũng đang ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa... Nhận thấy, một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổ ra, “Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”, tháng 11-1940, Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị quyết định: Tiếp tục duy trì đội du kích Bắc Sơn, hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, chắp nối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận hải ngoại của Đảng. Công việc trọng yếu này giao đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách…
Cuối tháng 10-1940, Bác Hồ cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, vào hạ tuần tháng 12-1940, Người tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước theo hướng mới. Và tại làng Tân Khư (Tĩnh Tây), vài ngày sau Tết dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang đã gặp được Người ở đây. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí báo cáo với Người tình hình trong nước và những công việc đang thực hiện, đồng thời đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước, vì đó là tỉnh biên giới có phong trào cách mạng sớm, nhân dân giác ngộ cao và đội ngũ cán bộ tương đối vững vàng, liên lạc quốc tế thuận tiện...
Mấy ngày sau, Bác Hồ cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (sát biên giới Việt - Trung). Tại Nậm Quang, Người mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Chương trình của lớp học rất thiết thực, với các nội dung cơ bản như: Tình hình quốc tế, trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách thức tổ chức, huấn luyện đấu tranh… Vào khoảng giáp Tết âm lịch, lớp huấn luyện kết thúc, Người cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị gấp rút về nước.
Ngày 1-1 Tết Tân Tỵ (năm 1941), Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang, Ngàn Tấy. Sớm ngày hôm sau 28-01-1941, tức 2-1 Tết, Người rời Nậm Quang lên đường về nước. Buổi trưa, Người về đến biên giới Việt - Trung, đoạn cột mốc 108. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần ba mươi năm xa cách. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”…
''Bác Hồ làm việc tại Pác Bó'' - Tranh Sơn dầu của Trịnh Phòng,dẫn đăng trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những ngày đầu về nước, Bác Hồ ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, làm nơi đứng chân đầu tiên. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Từ ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại đây và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng đúng như trong lời thơ của Người:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
theo Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng