Bài luận kể lại sự thay đổi về nhận thức qua bức ảnh ghế sofa giúp Cát Nhi trúng tuyển Đại học Chicago, Mỹ, với học bổng gần 10 tỷ đồng.

Trần Cát Nhi, lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đã chuẩn bị sẵn tinh thần trượt Đại học Chicago (UChicago). Nhưng giữa tháng 12/2023, khinhận được email thông báo của trường, nữ sinh Đà Nẵng "đứng hình", phải nhờ mentor (cố vấn) kiểm tra lại.

"Sau 30 phút, em mới nhận ra mình đỗ và được học bổng toàn phần, trị giá hơn 400.000 USD (gần 10 tỷ đồng) cho 4 năm", Nhi nhớ lại.

Đợt tuyển sinh năm nay, Nhi dự định gửi hồ sơ cho 20 trường ở Mỹ. Sau khi đỗ UChicago ở kỳ tuyển sinh sớm có ràng buộc, em phải rút toàn bộ hồ sơ ở những trường đã nộp.

Nữ sinh cho biết thích UChicago vì trường có chương trình học đại cương, giúp em có một năm làm quen và xác định xem có thực sự muốn đi theo ngành Kinh tế đã đăng ký hay không. UChicago cũng có môi trường học thuật mở và xếp hạng 11 thế giới, theo QS 2024.

Cát Nhi, học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đông, Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 

Khó khăn nhất của Nhi khi nộp vào UChicago là làm cách nào để thể hiện thông điệp rõ ràng trong bài luận. Trường yêu cầu viết một bài luận sáng tạo kể về những phẩm chất tốt nhất của học sinh với tư cách một nhà văn, nhà tư tưởng, người có tầm nhìn xa, nhà phê bình xã hội, nhà hiền triết hoặc công dân toàn cầu.

UChicago không giới hạn số từ, khiến em bối rối. Bài luận bắt đầu bằng câu nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, một chạm hơn vạn lần nghe". Nhi không thực sự đồng tình vì theo em dù có nghe, sờ được vẫn không thể coi rằng nó là chính xác. Sự thật phải được tìm hiểu từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Lúc đầu, Nhi định ví dụ bằng hình ảnh cá voi và cá ngừ. Cả hai có hình dạng bên ngoài khá giống nhau nhưng bên trong lại rất khác vì một con là động vật có vú, một con là cá. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, mọi người sẽ hiểu nhầm. Tuy nhiên, nhận thấy bài viết chưa thuyết phục, Nhi chuyển hướng. Nữ sinh quyết định kể về một bức ảnh chiếc ghế sofa, qua đó nói đến sự phát triển nhận thức của bản thân.

Nhi từng dùng điện thoại của ông chụp chiếc ghế sofa trong nhà. Khi phóng to hết cỡ, em dừng lại và chỉ thấy mấy ô vuông xanh, đỏ nho nhỏ. Em nghĩ rằng sofa được làm từ những ô vuông này. Sau này, Nhi mới hiểu hình ảnh được cấu tạo từ các điểm ảnh pixel, còn sofa được làm từ các phân tử trong thế giới nguyên tử.

Nhi nhận ra nhận thức ban đầu của em không sai, chẳng qua sự vật tồn tại ở nhiều góc nhìn. Bài luận của Nhi thể hiện niềm đam mê khám phá, không ngừng học hỏi, khiêm tốn với những kiến thức mình có, tư duy mở và sẵn lòng tiếp nhận những quan điểm đa chiều.

Ở bài luận thứ hai, Nhi nói về lý do nộp đơn vào trường. Nữ sinh cho hay muốn trở thành một nhà kinh tế học môi trường, nghiên cứu cách để Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tác hại tới môi trường. Em muốn tới UChicago bởi ở đây có những chương trình đào tạo, các dự án nghiên cứu và cơ hội làm việc liên quan tới ngành học này tốt.

"Hai bài luận dài 700-800 từ, phải sửa nhiều lần và mất một tháng để hoàn thành", Nhi cho hay.

Ngoài ra, nữ sinh còn gửi cho UChicago một video ngắn, thể hiện rõ hơn tính cách và niềm đam mê của em với trường.

Nhi mơ ước du học từ cấp hai, bắt tay xây dựng hồ sơ, hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị thi chứng chỉ từ năm lớp 10. Nữ sinh đặt mục tiêu giữ điểm trung bình 9,4 qua các năm. Em cũng thi IELTS đạt 8.5, SAT 1590/1600. Để hồ sơ thêm cạnh tranh và có nền tảng kiến thức về kinh tế, Nhi tự học ba môn AP (môn học nâng cao ở Mỹ) gồm Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô và Thống kê, và đều đạt điểm tối đa 5/5.

Nữ sinh còn tham gia dự án CoronaNet về các chính sách kinh tế trong và sau dịch Covid-19, hợp tác giữa các giáo sư Đại học Yale, Đại học New York và Đại học Kỹ thuật Munich. Nhiệm vụ của em là thu thập và phân tích các thông tin về chính sách kinh tế. Ngoài ra, Nhi cũng tham gia khảo sát về doanh nghiệp xã hội với nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Bắc Kinh.

Bên cạnh học thuật, nữ sinh đăng ký các câu lạc bộ ở trường để trải nghiệm, nhưng tập trung nhất vào câu lạc bộ môi trường vì liên quan đến phát triển kinh tế bền vững - ngành học em muốn theo đuổi. Nhi từng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức, thu gom pin, giấy.

Nhi (thứ 5, hàng thứ hai từ phải sang) cùng các bạn dọn rác trên bãi biển ở Đà Nẵng năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cát Nhi và các bạn trường THPT chuyên Lê Quý Đông, Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là người cố vấn cho Nhi, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh viên Đại học Minerva, ấn tượng với em ở sự chăm chỉ, thông minh và kỷ luật với bản thân. Tuyết nhận xét điểm mạnh hồ sơ của Nhi là sự hài hòa giữa thành tích học thuật nổi bật với các hoạt động ngoại khóa liên quan tới đam mê, có đóng góp xã hội và thể hiện khả năng lãnh đạo cao.

Biết tin Nhi giành học bổng, cô Lê Thị Anh Tuyến tự hào về học trò. Cô Tuyến là giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Nhi, cũng là người viết thư giới thiệu cho em.

Theo cô Tuyến, Nhi luôn trong top đầu của lớp về thành tích học tập, giỏi tiếng Anh và các môn tự nhiên. Nữ sinh từng đạt giải nhất thi học sinh giỏi thành phố môn Vật lý, hai lần giành giải ba môn tiếng Anh cuộc thi Olympic vùng Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ. Mới đây, em đạt giải nhất thành phố môn tiếng Anh.

"Nhi là người có kế hoạch, biết rõ cần làm gì để đạt được mục tiêu. Em ấy rất xứng đáng", cô Tuyến nói.

Tháng 8 tới, Nhi sẽ sang Mỹ nhập học. Từ kinh nghiệm của mình, Nhi cho rằng nếu xác định du học, các ứng viên cần chủ động mọi việc, ôn thi SAT càng sớm càng tốt, học thêm các môn AP và có thể thi IELTS vào cuối năm lớp 11.

Theo Vnexpress