Nói và viết là hai kỹ năng hết sức quan trọng và cần thiết của người cán bộ Đoàn. Người cán bộ Đoàn cần phải rèn kỹ năng nói để thuyết phục thanh niên và kỹ năng viết để tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Đoàn cho thanh niên.

hực trạng trong đa số cán bộ Đoàn hiện nay cho thấy, cán bộ Đoàn đa phần nói rất tốt nhưng viết thì còn lắm vấn đề phải bàn tới. Viết không phải cứ viết dài, viết tràng giang là tốt, viết ý này qua ý kia rồi không biết ý nào là chính. Vậy viết như thế nào cho đạt hiệu quả? BBT Sổ tay cán bộ Đoàn xin giới thiệu "Kinh nghiệm Bác viết như thế nào?" trích trong bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953:

...Kinh nghiệm Bác viết thế nào?

Sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất, Bác ở Pháp. Muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp, làm thế nào bây giờ?

Nhất định phải học viết cho kỳ được.

Có một đồng chí làm trong một tờ báo Sinh hoạt công nhân (La vie ouvrière) bảo: "Có tài liệu gì, anh cứ viết, rồi tôi đăng cho".

Bác nói: "Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được". Đồng chí ấy nói: "Anh cứ viết ba dòng, năm dòng cũng được". Có thế nào thì viết thế ấy. Nếu có sai mẹo mực thì tôi sửa cho".

Thế là từ ấy trở đi, mình học viết báo. Viết 3, 4 dòng. Khi viết rồi chép ra 02 miếng, 01 miếng mình gửi cho nhà báo, 01 miếng mình giữ lại.

Lần đầu tiên bài mình được đăng báo, có thể nói là sướng nhất trong đời người. Mình đem bài báo đã đăng với miếng mình giữ lại, so lại thử sai lạc chỗ nào, họ sửa cho thế nào.

Cách ít lâu, đồng chí ấy nói: "Anh viết được 03 dòng rồi, bây giờ kéo dài ra!". Mình cố gắng kéo dài mãi, cho đến lúc viết được 10 dòng.

Đồng chí ấy lại nói: "Anh kéo dài nữa đi, cho tài liệu thành một bài nhỏ!". Thế là mình cứ kéo, đồng chí cứ sửa, cứ khuyến khích mình.

Cách giáo dục như thế thật tốt. Cứ kéo, kéo, kéo đến khi hết một cột, rồi hơn một cột, rồi một cột rưỡi.

Thế rồi đồng chí ấy nói: "À, bây giờ anh viết được rồi, anh nên làm một cách khác. Rút ngắn lại".

Thật là rầy rà! Trước thì bắt kéo dài, bây giời thì lại bắt rút ngắn! Nhưng mà đồng chí ấy nói: "Anh kéo dài được, thì bây giờ rút ngắn cũng được. Từ một cột rưỡi nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi dài dòng, không cần thiết thì bỏ nó đi...". Thế rồi mình phải đếm từng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cững khó chứ không phải dễ. Kết quả là rút được.

Cách ít lâu, đồng chí lại nói: "Bây giờ rút nữa đi" . Mình cứ phải rút lần này qua lần khác, cho đến rút chỉ còn 10 dòng.

Đồng chí nói: "Được rồi đấy, viết dài được, viết ngắn được bây giờ có vấn đề gì, thì viết dài viết ngắn tùy ý anh".

Đồng chí ấy thường nhắc mình: "Câu kéo thì phải viết cho rõ ràng, minh bạch, chớ có lủng củng, chữ nào không hiểu mà muốn dùng thì hỏi anh em, chớ có dùng ẩu".

Đấy là đồng chí ấy cũng là một người công nhân, tự học viết văn rồi phụ trách tờ báo này.

Mình viết được là nhờ đồng chí ấy chịu khó dạy bảo, giúp đỡ.

Lúc viết được báo rồi lại có ý muốn được viết truyện ngắn. Đó là một sự cả gan!

Dám viết thử, là vì một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một quyển của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm.

Thử viết một truyện ngắn về đời sống của công nhân Pari mà mình biết rất rõ vì tự mình cũng là công nhân. Viết xong đưa đến ban văn nghệ của báo Đảng là báo Nhân Đạo và nói với các đồng chí ấy: "Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không cói tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm".

Truyện ấy được đăng lên báo, đó là lần thứ hai mình thấy sung sướng!

Rồi mình chỉ viết truyện thật ở nước ta và các thuộc địa Pháp. Các đồng chí cũng thích là vì có những chuyện ở thuộc địa mà các đồng chí ấy không biết và những người đọc cũng không biết.

Có thể nói từ lúc bắt đầu viết mấy dòng cho đến bây giờ, mình chỉ thích viết những chuyện nước mình và các thuộc địa và chỉ để đập thực dân Pháp.

Cách mạng tháng 8 thành công, viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là lần thứ ba mình thấy sung sướng.

Bây giờ, khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chỗ nào thấy khó hiểu, các đồng chí bảo cho mình sửa chữa.

Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ.

Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được.

Sách “Cách viết”, Hội Những nhà viết báo Việt Nam,

xuất bản lần thứ hai, năm 1955