Sau khi nhân dân ta giành được chính quyền tháng 8/1945, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc với mục đích duy nhất là giải phóng nhân dân khỏi mọi ách áp bức, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Cũng từ đó, Đảng ta đứng trước thử thách to lớn: không những phải phấn đấu, rèn luyện trở thành một chính Đảng thật trong sạch vững mạnh mà còn phải đổi mới phương thức lãnh đạo để ngày càng gắn bó với quần chúng hơn.
Đảng vừa là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành và phải có trách nhiệm chăm lo đến cuộc sống của toàn dân bởi: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”1. Bên cạnh đó, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc của Đảng ta thống nhất với nhau không thể tách rời, lấy nền móng là khối đại đoàn kết toàn dân, và muốn củng cố nền móng đó, Đảng phải biết chăm lo lợi ích thiết thực và lâu dài cho quần chúng nhân dân: “Phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”2. Ngược lại, nhân dân có tin yêu, kính phục cán bộ đảng viên thì mới nguyện đồng lòng cống hiến tài sức để ủng hộ và xây dựng Đảng, mà đảng viên và cán bộ: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”3.
Nhân dân là người quyết định việc xây dựng chính quyền và đoàn thể từ xã làng đến Trung ương. Mọi việc lớn nhỏ trong một quốc gia đều do nhân dân thực hiện, do đó từ khi lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng một chính đảng trong sạch vững mạnh, đây là công việc của toàn dân nếu: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”4. Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả cán bộ đảng viên đều nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh chân lý dân vi quý này, rất nhiều người mắc sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả làm cho Đảng xa dân và dân sẽ không còn là cái nền móng bền vững nữa một khi lòng tin với Đảng không trọn vẹn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hai phương pháp lãnh đạo, quan hệ, làm việc của đảng viên với quần chúng hoàn toàn đối lập như sau:
1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân, bắt dân chúng theo. Như thế là cách làm đi ngược lại nguyên tắc vì nhân dân phục vụ của Đảng ta, đó là những cán bộ đảng viên: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với phương châm chính sách của Đảng và Chính phủ”5. Làm theo cách đó họ cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, không tốn sức và đỡ mệt óc nhưng cho dù thành công trước mắt thì về lâu dài vẫn thất bại vì họ đã thản nhiên xây cao dần một bức tường vô hình ngăn cách Đảng và nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những biểu hiện của thái độ và hành động này là:
- Xa nhân dân: Cán bộ đảng viên cho mình là đầu tàu lãnh đạo, là trung tâm, hạt nhân quan trọng bậc nhất nên có quyền quyết định mọi vấn đề theo chủ quan, không cần tham khảo dân nữa. Những người này trở nên khoe khoang, kiêu ngạo, lạnh lùng, tự cho mình là thầy thiên hạ, đứng trên quần chúng mà không cần bận lòng đến tâm lý, nguyện vọng của nhân dân và họ đã tạo ra một hố ngăn cách giữa Đảng và nhân dân. Sự thiển cận và ngộ nhận khiến cho họ không nhớ ra nổi: “Tục ngữ có câu: Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao. Việc gì mà một mình tuy có tài giỏi mấy cũng không làm được, mà nhiều người chung sức lại, thì việc gì cũng làm được”6.
- Khinh nhân dân: Cán bộ đảng viên cho rằng chỉ mình có đào tạo bài bản, chính quy, bằng cấp này nọ nên văn hóa và học thức đầy mình còn nhân dân chẳng qua là dân ngu khu đen, chỉ đâu đánh đấy, chẳng bao giờ hiểu được lý luận chính trị cao xa, cho nên một số nơi cán bộ đảng viên lừa dân, lòe bịp dân bằng văn bản, báo cáo, chỉ thị để mưu lợi cá nhân, họ quên mất nhân dân rất nhạy bén, khôn khéo, hăng hái, anh hùng: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”7.
- Sợ nhân dân: Cán bộ đảng viên mỗi khi mắc khuyết điểm, sai lầm thì bao biện, che giấu, lẩn tránh trách nhiệm vì sợ nhân dân phê bình mình mất thể diện, có những người còn bảo thủ đến mức ngại sửa chữa khuyết điểm. Họ chỉ muốn phô ra sự hoàn thiện, cái cao đẹp, vĩ đại của bản thân, cố hết sức che đậy thật kín thói xấu và nhược điểm mà không hiểu: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”8.
- Không tin cậy nhân dân: Cán bộ đảng viên tự cho rằng chỉ mình có đủ năng lực, tri thức và tinh thần đảm đương công việc, còn quần chúng nhân dân chưa đủ tầm cỡ. Hễ giao việc cho quần chúng là không yên tâm, dễ hỏng việc hoặc mất đi ý nghĩa trọng đại. Những người này không biết: “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”9.
- Không hiểu biết nhân dân: Đối với nhân dân thì trăm nghe không bằng một thấy. Hết thảy nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực nhất (gần xa, riêng chung, bộ phận và toàn cục) chứ không thể nghe lý luận giáo điều, lời hứa hẹn suông trong khi đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng lại khó khăn, thiếu thốn, chỉ khi: “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng, Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”10.
- Không thương yêu nhân dân: Cán bộ đảng viên chỉ biết đòi hỏi, yêu cầu, ra lệnh cho nhân dân bằng bàn tay năm ngón và con dấu đóng vào văn bản giấy tờ mà không đếm xỉa đến ý nghĩ, nguyện vọng, tâm tư của nhân dân: “Thậm chí khi dân chúng đưa ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ, kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”11, thế là nhân dân cũng sẽ mất dần đi lòng tin yêu đối với cán bộ đảng viên.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, ban ngành, những căn bệnh này đã trở nên khá phổ biến và có nguy cơ trầm trọng hơn, thậm chí khá nhiều cán bộ đảng viên còn biến thái đến mức lừa phỉnh, trấn áp, dọa nạt, khống chế quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với những ai dám dũng cảm nói thẳng, nói thật, lên án những hành vi quan liêu, tham ô, tham nhũng, hối lộ, lãng phí của những vị lãnh đạo có quyền chức. Nhiều đảng viên biến chất nghĩ rằng có quyền hành, pháp chế trong tay thì muốn làm gì cũng được, một tay cũng che hết mặt trời nhưng thực ra dân chúng đều biết rõ tất cả thông qua phương pháp đối chứng. Họ so sánh trước kia và bây giờ, lập pháp và hành pháp, việc này với việc khác, cách xử lý của ngành này với ngành khác, mức độ nặng nhẹ, thông tin xuôi chiều và ngược chiều... cuối cùng họ cũng tìm ra bản chất, kết quả kèm theo lời bình luận dân gian và những phương án đáng ra nên làm công khai, hợp lý, công bằng hơn, và: “Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó mà họ biết rõ ràng”12.
Đỗ Hoàng Linh
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Đức Lâm (st)
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1995, tập 10, tr4
2. Sđd nt, tập 7, tr235
3. Sđd nt, tập 4, tr48
4. Sđd nt, tập 5, tr293
5. Sđd nt, tr292
6. Sđd nt, tập 8, tr150
7. Sđd nt, tập 5, tr295
8. Sđd nt, tập 4, tr166
9. Sđd nt, tập 5, tr295
10. Sđd nt, tập 7, tr572
11. Sđd nt, tập 5, tr294
12. Sđd nt, tr296
13. Sđd nt, tr698
14. Sđd nt, tập 12, tr221
15. Sđd nt, tập 5, tr249
16. Sđd nt, tập 7, tr28
17. Sđd nt, tr248
18. Sđd nt, tập 6, tr242
19. Sđd nt, tập 5, tr298
20. Sđd nt, tr552
21. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1996, tập 8, tr197
22. Chuyện kể về Bác Hồ. Nxb. Nghệ An 2000, tập 5, tr128
23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1996, tập 5, tr286