1- Sinh hoạt chi Đoàn: là một buổi sinh hoạt về chính trị, thời sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn nhằm mục đích giáo dục của chi Đoàn.

2- Sinh hoạt chi đoàn có lợi ích gì cho đoàn viên?
+ Được cung cấp những thông tin cập nhật, bổ ích phù hợp với đặc điểm của đoàn viên giúp họ không bị lạc hậu so với sự phát triển của thời đại.
+ Được bày tỏ quan điểm, chứng kiến một cách dân chủ, công khai trước tổ chức, tập thể và thông qua đó đề đạt nguyện vọng đối với tổ chức Đảng, chính quyền, lãnh đạo đơn vị.
+ Giúp đoàn viên mạnh dạn, khéo léo trong ứng xử, giao tiếp; có nhiều bạn bè và các mối quan hệ xã hội sẽ giúp ích cho công việc của bản thân đoàn viên.
+ Được rèn luyện, thử thách trong môi trường tốt đẹp, có tổ chức, có định hướng, tránh sự lầm đường, lạc lối rơi vào tệ nạn xã hội và sự dụ dỗ, lôi khéo của các thế lực thù địch đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước…
+ Giúp đoàn viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sống, làm giàu, học tập nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, sống có ích trong xã hội…

3- Công tác chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt Chi đoàn. 
3.1- Trước khi sinh hoạt Chi Đoàn: 
– Bí thư Chi Đoàn chuẩn bị dự thảo nội dung và hình thức sinh hoạt. Các đánh giá kết quả thực hiện công tác của Chi đoàn trong tháng, định ra nội dung sinh hoạt kỳ tiếp theo.
– Họp ban chấp hành Chi Đoàn thống nhất về nội dung và hình thức sinh hoạt, phân công Ban chấp hành (chuẩn bị nội dung và điều khiển chương trình sinh hoạt). Tổ chức sinh hoạt và chuẩn bị các điều kiện cho buổi sinh hoạt (công tác hậu cần).
– Xác định thời gian, địa điểm sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình của Chi Đoàn.
– Thông báo cho Đoàn viên và gởi thư mời đại biểu (nếu có).

3.2- Trong khi sinh hoạt Chi Đoàn: 
Tiến hành sinh hoạt Chi Đoàn cần đơn giản về hình thức, nghiêm túc về thái độ nhưng phải hấp dẫn, sinh động phù hợp tâm lý thanh niên. Người điều khiển cần tôn trọng Đoàn viên và thanh niên. Nội dung chính của nghị quyết phải được phân công cho từng cá nhân và yêu vầu thời gian hoàn thành. Trong sinh hoạt Chi Đoàn phải đảm bảo các tính chất: Tính giáo dục, tính tập trung dân chủ, tính chiến đấu, hấp dẫn, trẻ trung.
* Chương trình sinh hoạt phổ biến như sau:
– Ổn định tổ chức bằng một số tiết mục văn nghệ, điểm danh đoàn viên.
– Giới thiệu chủ toạ và thư ký.
– Đại diện BCH chi đoàn hoặc đoàn viên được phân công phụ trách chuyên đề trình bày nội dung sinh hoạt.
– Đoàn viên thảo luận.
– Đại biểu phát biểu (đối với cuộc họp có mời Đoàn cấp trên, cấp uỷ, chính quyền tham dự để chỉ đạo, định hướng các nội dung có liên quan).
– Chủ toạ tổng hợp ý kiến và kết luận.
– Thư ký thông qua biên bản, biểu quyết, kết thúc cuộc họp.

3.3- Sau khi sinh hoạt Chi Đoàn: 
– Cơ sở để đánh giá một buổi sinh hoạt Chi Đoàn có hiệu quả là Đoàn viên được bàn bạc, trao đổi dân chủ đi đến thống nhất chương trình hành động của Chi Đoàn và điều cần chú ý là: Sau buổi sinh hoạt Chi Đoàn mỗi Đoàn viên đều biết được nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện nghị quyết của Chi Đoàn và phần việc của mình phối hợp với các cá nhân, bộ phận khác.
– Đồng chí Ban chấp hành Chi Đoàn phát huy vai trò lãnh đạo của mình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Đoàn viên trong việc thể hiện các công việc và nội dung đã đề ra trong buổi sinh hoạt Chi Đoàn.

4- Tổ chức các sinh hoạt thông dụng của Chi Đoàn 
4.1. Hội nghị Đoàn viên:
– Hội nghị Đoàn viên (thường gọi là họp Đoàn viên) là hình thức sinh hoạt cơ bản, thường kỳ hay bất thường của Chi Đoàn. Ở đây Chi Đoàn tiến hành công tác giáo dục Đoàn viên (tiếp nhận, bàn và thảo luận những chủ trương của Đảng, chính quyền cùng cấp và Đoàn cấp trên), giải quyết những vấn đề thuộc nguyên tắc tổ chức của Đoàn (kết nạp đoàn viên mới, giới thiệu Đoàn viên ưu tú cho Đảng, xét kỷ luật Đoàn viên), đánh giá việc thực hiện những công việc đã làm, bàn và xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thời gian tới.
– Hội nghị Đoàn viên được tổ chức tốt, nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn cơ sở.

4.2. Họp Chi Đoàn thường kỳ: 
Điều lệ Đoàn quy định: Chi Đoàn họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Đối với chi đoàn trên địa bàn dân cư ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, ở các đơn vị mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi công tác khỏi địa bàn, cơ quan được cấp trên xác nhận thì ít nhất 3 tháng sinh hoạt 1 lần.

4.3. Tổ chức sinh hoạt Chi Đoàn chủ điểm:
Sinh hoạt chi đoàn chủ điểm là một phương thức giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên của tổ chức Đoàn nhằm thống nhất nhận thức trong đoàn viên về một vấn đề tư tưởng theo định hướng của Đoàn cấp trên hoặc các vấn đề thời sự chính trị, xã hội được nhiều đoàn viên quan tâm; thống nhất về mục đích, ý nghĩa, nội dung và phương pháp tổ chức một hoạt động chi đoàn trong một đợt hoạt động lớn của toàn Đoàn.
Yêu cầu đặt ra trong sinh hoạt chủ điểm là phải tạo được sự đối thoại dân chủ trong chi đoàn, tránh thông tin một chiều. Buổi sinh hoạt chủ điểm phải đạt được sự thống nhất để đi đến hành động, vì vậy, Ban chấp hành Đoàn phải có kết luận cụ thể đối với từng nội dung được trao đổi, tranh luận trong buổi sinh hoạt.

5- Các nội dung sinh hoạt chi đoàn:
a- Sinh hoạt chi Đoàn theo chủ đề giáo dục (chuyên đề): tọa đàm, thảo luận….
Yêu cầu: nội dung phải gắn với nhu cầu chính đáng của đoàn viên, những vấn đề thời sự nóng bỏng, thật sự gần gủi, phù hợp với trình độ của đoàn viên và phải được thường xuyên thay đổi để tránh sự nhàm chán.

b- Sinh hoạt chi Đoàn để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác: 
Có thể xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của chi đoàn theo từng quý (3 tháng một lần). Chương trình, kế hoạch công tác của Đoàn cần gắn với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị để vừa có thể thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa có thể làm tốt công tác chuyên môn.
* Các yêu cầu đó là:
– Phải nắm được tình hình thời sự, chính trị trong quý, biết đề ra nhiệm vụ trọng tâm của mỗi tháng và hàng tháng sẽ sinh hoạt theo nội dung, hình thức nào.
– Phải dự báo được nhiệm vụ cơ bản của mỗi quý trên cơ sở đó đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động cho thích hợp.
– Phải đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, quý, phân tích rõ những thành công và hạn chế, kịp thời rút kinh nghiệm cho quý sau.
* Phương pháp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của chi đoàn:
– Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động là việc xác định các chỉ tiêu, nội dung hoạt động, phương tiện, phương pháp và lộ trình để đạt được mục đích đã đề ra.
– Căn cứ để xây dựng chương trình, kế hoạch: đó là Nghị quyết của cấp uỷ và kế hoạch, chủ trương của đoàn cấp trên; tình hình thực tế và yêu cầu của địa phương, đơn vị; khả năng của chi đoàn.
– Yêu cầu chương trình, kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi.
– Các loại kế hoạch, chương trình: gồm có hàng tháng, quý, sáu tháng, năm, kế hoạch, chương trình theo chủ đề, chủ điểm.
– Nội dung chương trình, kế hoạch:
+ Nêu đặc điểm tình hình (chỉ có trong KH, CT hàng quý, năm).
+ Mục đích, yêu cầu.
+ Nội dung và các chỉ tiêu.
+ Các điều kiện cần thiết (kinh phí, phương tiện, con người…).
+ Các giải pháp để thực hiện.
+ Phân công cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện.
+ Xác định rõ lộ trình hoàn thành (thời gian cụ thể để tiến hành và hoàn thành công việc).

c- Sinh hoạt chi Đoàn để nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đoàn và tham gia xây dựng Đảng:
Mỗi đoàn viên phải có trách nhiệm góp ý xây dựng cho BCH chi đoàn; giới thiệu, bồi dưỡng thanh niên ưu tú để kết nạp đoàn; bình bầu phân loại đoàn viên 6 tháng, 1 năm.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng. Các chi đoàn phải coi trách nhiệm xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cơ bản của đoàn, coi xây dựng đoàn là một khâu quan trọng góp phần xây dựng Đảng. Đoàn tham gia xây dựng Đảng thông qua việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên nhận thức về Đảng, xây dựng động cơ cho đoàn viên phấn đấu sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng; tham gia góp ý kiến cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự lãnh đạo của Đảng; tham mưu kịp thời cho tổ chức Đảng về công tác thanh niên; góp ý cho nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

6- Các hình thức sinh hoạt chi đoàn: 
Hình thức sinh hoạt chi đoàn phải luôn được cải tiến và thường xuyên thay đổi để phù hợp với tâm lý đoàn viên. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi chi đoàn phải tích cực chủ động và sáng tạo để tìm ra những hình thức sinh hoạt thích hợp nhất.

Các hình thức sinh hoạt như:
a- Sinh hoạt chi đoàn tại phòng họp:
Hình thức sinh hoạt này thích hợp với nội dung sinh hoạt theo chuyên đề giáo dục vì cần sự yên tĩnh, có trang trí hài hoà để tạo ấn tượng. Cần sắp xếp vị trí ngồi trong một không gian thích hợp, cách tốt nhất là ngồi theo hình chữ U hoặc nữa hình tròn.
b- Sinh hoạt chi đoàn tại nơi di tích, danh lam thắng cảnh theo hình thức tham quan, dã ngoại (trường hợp này có thể gắn với một số hoạt động của chi đoàn để mở rộng đối tượng, song cần bố trí thời gian để đoàn viên sinh hoạt riêng).
Nội dung: tổ chức những trò chơi dân gian thích hợp với địa hình, cảnh quan; phát động đoàn viên thanh niên thi viết ngắn về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; trao đổi, hỏi đáp về các di tích lịch sử, cảm nhận sau khi tham quan.
c- Sinh hoạt chi đoàn tại nhà đoàn viên:
Chọn nhà đoàn viên có đủ điều kiện để tổ chức sinh hoạt và có thể quay vòng theo định kỳ. Phát động đoàn viên đóng góp cơ sở vật chất như: sách, báo, truyện, tăng âm, loa đài phục vụ cho sinh hoạt của chi đoàn.
d- Sinh hoạt chi đoàn theo hình thức hội thảo, hái hoa dân chủ, toạ đàm:
Hình thức này thích hợp trong các buổi sinh hoạt giao lưu giữa các chi đoàn với nhau. cần phổ biến trước cho đoàn viên biết chủ đề hoặc câu hỏi cho đoàn viên chuẩn bị.
e- Sinh hoạt chi đoàn vào các ngày lễ kỷ niệm, ngày sinh nhật của đoàn viên:
Cần gắn nội dung sinh hoạt với các nội dung của ngày lễ, ngày kỷ niệm để có chủ đề, chủ điểm. Nếu tổ chức vào ngày sinh nhật của đoàn viên nên có quà tặng của Ban chấp hành chi đoàn cho đoàn viên.

Nguồn: Sưu tầm