HẬU GIANG - Ngày con gái đậu cao đẳng hai năm trước cũng là ngày bà Thị Ly, 53 tuổi, rời quê lên Cần Thơ, bồng con đi học mỗi ngày.

Sinh viên và các thầy cô trường Cao đẳng Cần Thơ giờ đã quen với cảnh mỗi sáng bà Ly bồng cô con gái Phạm Thị Nhí, sinh viên lớp Hệ thống thông tin từ ký túc xá đến giảng đường.

Tới phòng học, tay bà đỡ con từ chiếc xe lăn, nhấc bổng lên, cặp vào hông mình rồi đi thẳng tới chỗ ngồi. Trong khi đó, một vài người bạn trong lớp phụ xách cặp, kéo ghế ra trước. Khi con gái đã ổn định, người mẹ lại quay ra, chờ hết tiết lại lên lớp bồng con sang phòng học khác.

"Nếu không có mẹ bồng đi, em không thể học lên như bây giờ", cô sinh viên năm hai quê Vị Thủy, Hậu Giang nói.

Phạm Thị Nhí trên chiếc xe lăn điện do một nhà hảo tâm tặng, đứng ở cửa lớp học, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phạm Thị Nhí, 19 tuổi, từ lúc sinh ra tay chân đã co quắp, không thể đi đứng. Năm Nhí 6 tuổi, mẹ bồng em đến trường xin cho con đi học nhưng bị từ chối vì trường chưa có tiền lệ nhận trẻ khuyết tật. Cô giáo thấy Nhí nhỏ con, ốm yếu hơn các bạn nên khuyên chờ thêm một năm.

Về nhà, Nhí được anh trai dạy viết chữ, tập đọc.

Năm sau, bà Ly lại bồng con và đem theo giấy khai sinh của Nhí đến trường. Chỉ vào năm sinh bà bảo: "Con tui đã trễ một năm, giờ con phải được đi học". Cô giáo đồng ý, nhưng với điều kiện phải học thử vài tháng. Cô bé lập tức chứng minh dù tật nguyền nhưng khả năng học tập của mình không hề bị ảnh hưởng bởi những trang vở viết chữ rất đẹp. Và cứ thế, suốt năm năm tiểu học, Nhí luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Những năm cấp 1 rồi đến cấp 2, anh trai là đôi chân đưa Nhí đến trường. Năm Nhí vào cấp ba cũng là lúc anh trai đậu đại học ở Cần Thơ nên bà Ly là tạm gác việc đồng áng, bồng con đến lớp mỗi ngày.

Quanh năm mần ruộng, bắt cá, bà Ly không biết đi xe đạp, xe máy nên phương tiện đến trường của hai mẹ con là chiếc ghe, ngày vượt quãng đường hơn 3 km. Tới bến, bà đậu ghe ở mé sông, bồng con gái vào lớp. Dù vậy, suốt ba năm, người mẹ chưa để con nghỉ buổi học nào. "Hôm nào bận quá thì tôi mướn xe ôm. Vất vả và tốn kém hơn nhưng quyết cho con học để kiếm nghề nuôi thân", bà nói.

Những hôm Nhí học hai buổi, 11h30 tan lớp nhưng 13h đã phải vào tiết buổi chiều, bà Ly nấu cơm mang theo. Buổi trưa, bà đến lớp đón con xuống ghe, hai mẹ con chèo đến chân cầu tránh nắng, ăn cơm rồi quay lại trường.

Bà Ly sợ nhất mùa mưa vì Nhí sức khỏe yếu, cứ mắc mưa là đổ bệnh. Có những hôm chập tối, vừa làm đồng về, sợ con đợi lâu bà vội đi nên quên mang áo mưa. Gặp mưa bất chợt kèm gió lớn, bà và con đậu xuồng dưới gầm cầu, co ro vì lạnh.

"Nhiều người bảo gửi con vào trường khuyết tật nhưng tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì còn lo được. Tôi muốn con hòa nhập với bạn bè, không tự ti mình là đứa khiếm khuyết", bà Ly nói.

Hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên cô bé Nhí luôn gắng học. "Học để kiếm cái nghề phù hợp không chỉ là mong ước của em mà còn là ước mơ cả đời của cha mẹ", Nhí nói. Với đôi chân không thể đi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nhí chọn học ngành Hệ thống thông tin tại Cao đẳng Cần Thơ.

Ngày đầu khăn gói lên thành phố, Nhí và mẹ ở cùng anh trai đang học năm cuối đại học. Mỗi sáng, anh chở mẹ và em gái đến trường rồi đi học. Lên thành phố không quen đường sá, bà Ly chỉ biết ngồi ở sân trường chờ con hết tiết rồi bồng chuyển lớp, chẳng dám đi đâu.

Thời gian đầu, đa số những phòng học của Nhí đều ở lầu 3, lầu 4. Bồng con gái 23 kg trên tay, bà Ly miệng nói không mỏi nhưng tới nơi thì mồ hôi thấm ướt ra cả lớp áo khoác.

Không chỉ bồng con lên lớp, bà Ly còn đưa con đi tham gia hầu hết các hoạt động ngoại khóa của trường. Ngày hội thao, Nhí không thể xuống sân, nhưng em và mẹ luôn là một cổ động viên có mặt sớm và cổ vũ nhiệt tình nhất.

Năm ngoái, Nhí là một trong 5 sinh viên được Hội sinh viên TP Cần Thơ tuyên dương "Sinh viên Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp" năm 2020. Ảnh: Văn Toàn

Biết hoàn cảnh mẹ con Nhí, các thầy cô trường Cao đẳng Cần Thơ tìm đủ cách hỗ trợ để việc đến lớp của em thuận tiện hơn. Nhà trường sắp xếp phòng học ở tầng trệt cho lớp của em, kết nối nhà hảo tâm tặng em chiếc xe lăn điện. Hai mẹ con được vào ở tại ký túc xá. Thầy Hiệu trưởng còn cho xây một lối đi riêng dành cho xe lăn dẫn vào phòng ký túc. Bà Ly cũng được nhận làm lao công trong trường để kiếm thêm thu nhập mà vẫn có thể đưa Nhí đến lớp học.

Thầy Phạm Văn Toàn, Bí thư Đoàn trường cho biết, Nhí là sinh viên khuyết tật nặng nhất của trường trong mấy chục năm nay. Em thường tâm sự với các giảng viên rằng không biết cách nào để báo đáp lại công lao của mẹ. "Tuy nhiên, Nhí chăm chỉ, có tinh thần học tập, tôi tin em sẽ tốt nghiệp đúng hạn và xin được việc", thầy Toàn nói.

Buổi chiều, trong khi chờ mẹ quét xong sân trường, Nhí vo gạo nấu cơm và rửa chén. Nhí thích căn phòng ở ký túc xá vì nền lát gạch men, khi nhích mông đi em không bị đau như lúc di chuyển trên nền đất ở nhà. Cũng nhờ thế, em dễ di chuyển, giúp mẹ được nhiều việc hơn. Ngoài giờ học, Nhí còn bán thêm nhiều mặt hàng online kiếm thêm thu nhập. Cô gái thường đăng những tấm hình, video truyền năng lượng tích cực. Cứ khoảng hai tuần, bà Ly lại bồng Nhí đi xe buýt về thăm nhà.

"Bồng con đi học một đoạn để con có kiến thức và tự lập sẽ tốt hơn là để con ở nhà rồi mình phải bồng con suốt đời", bà Ly trải lòng.

Diệp Phan

Nguồn: vnexpress.net