Ngày nay, Internet len ​​lỏi vào cuộc sống hàng ngày của con người và cuộc sống của trẻ em cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những lợi ích mà sự phát triển công nghệ mang lại, thì tình trạng đe dọa, bắt nạt trên mạng là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà giới trẻ phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, để chủ động tiếp cận, giải quyết các loại quấy rối trực tuyến, đây là bốn nguyên tắc mà các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo có thể xem xét áp dụng.

Trẻ em cần được bảo vệ khi tham gia, sử dụng mạng Internet. Ảnh: emaze.com 

1. Giáo dục trẻ trở thành công dân số tốt

Vì thế giới kỹ thuật số là một phần trong cuộc sống thực của chúng ta, nên các quy tắc áp dụng trên Internet phải giống với các quy tắc mà chúng ta đã quen thuộc trong thế giới thực. Khi dạy trẻ em về sự tôn trọng và các quy tắc giao tiếp xã hội, điều quan trọng là phải bao gồm lĩnh vực Internet và đảm bảo rằng chúng cũng được dạy cách cư xử và giao tiếp thông qua phương tiện kỹ thuật số.

Các môn học như Giáo dục công dân và quyền công dân nên vượt ra khỏi ranh giới truyền thống để chạm đến đạo đức, luân lý và sự tôn trọng trong thế giới kỹ thuật số. Các bài tập và hoạt động nhóm là một cách hiệu quả để các nhóm làm việc và chia sẻ cùng nhau. Mục đích của các hoạt động đó là để tất cả các thành viên trong lớp cùng làm việc hướng tới một mục tiêu chung, sử dụng tất cả các điểm mạnh của cá nhân và đánh giá khả năng của mỗi người để hoàn thành một nhiệm vụ.

2. Ưu tiên nâng cao nhận thức thay vì cấm

Nhận thức đúng có tác dụng rất mạnh mẽ, vì nó làm thay đổi nhận thức xã hội. Thay vì tạo ra sự hoảng sợ về việc sử dụng công nghệ hoặc lan truyền sự hiểu lầm, nhà trường và gia đình nên hướng các em nhận thức đúng vấn đề để tạo một bầu không khí tích cực.

Những người trẻ tuổi khám phá công nghệ và điều chỉnh nó để phù hợp với cuộc sống hàng ngày của họ. Ðó là lý do tại sao điều quan trọng là phải cho học sinh, sinh viên thấy cách họ có thể sử dụng công nghệ vì lợi ích chung, chẳng hạn như chia sẻ kiến thức hoặc hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, bằng cách đưa công nghệ vào lớp học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng nó một cách hiệu quả hơn trong việc dạy và học.

3. Thúc đẩy đối thoại cởi mở

Một báo cáo của Sáng kiến Safe2Tell cho thấy, trong 81% các trường hợp bị bắt nạt ở trường, một số nhóm học sinh đã biết về các trường hợp bị bắt nạt, nhưng đã quyết định không báo cáo. Trong hầu hết các trường hợp này, sự im lặng chủ yếu là do sợ trở thành nạn nhân tiếp theo hoặc đối mặt với sự trừng phạt của nhà trường. Trong những trường hợp này, trẻ em cần biết rằng vấn đề không phải là công nghệ, mà là do những người sử dụng nó không đúng mục đích. Thúc đẩy đối thoại cởi mở sẽ giúp trẻ biết phải tìm đến ai nếu đối mặt với hành vi bị ngược đãi.

4. Gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau

Học sinh cần biết họ có thể liên hệ với ai trước khi một vấn đề nảy sinh. Và trong lĩnh vực này, sự tin tưởng là chìa khóa để mở ra một cuộc đối thoại. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 25% trẻ em và thanh thiếu niên tin rằng người lớn tuổi biết ít hơn họ về công nghệ. Nhận thức này làm cho các em cảm thấy rằng các vấn đề trực tuyến của các em khó được thấu hiểu. Những gì xảy ra trên mạng đối với trẻ em xem là rất quan trọng. Danh tính kỹ thuật số của các em về cơ bản giống với danh tính trong thế giới thực. Vì vậy, nếu học sinh tiếp cận với giáo viên hoặc người lớn có trách nhiệm về các vấn đề trực tuyến, giáo viên cần xem xét nó nghiêm túc như các vấn đề tương tự trong thế giới thực và tìm cách giải quyết cùng các em.

Ðiều quan trọng cần nhớ là trong khi thanh thiếu niên biết rất nhiều về cách sử dụng và cách thức hoạt động của công nghệ, thì người lớn có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn. Với suy nghĩ này, việc khám phá các chủ đề như rủi ro công nghệ, an toàn trên Internet và hành vi trực tuyến phù hợp là rất quan trọng để khuyến khích đối thoại. Ðiều cần thiết là phá vỡ sự im lặng xung quanh việc bắt nạt và bắt nạt trên mạng. Ðể được như vậy, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần phải rõ ràng, cảm thông và giao tiếp cởi mở với trẻ.

HOÀNG THY (Theo Welivesecurity)

Nguồn: baocantho.com.vn